Kết quả
Phân tích độ nhạy của dự án:
Đầu tư phát triển là hoạt động mang tính chất lâu dài, các kết quả là hiệu quả của hoạt động đầu tư phát triển phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố đã được dự báo trong soạn thảo dự án. Mỗi yếu tố đó ở một mức độ khác nhau đều có mức không chắc chắn nhất định. Để đánh giá được độ an toàn của các kết quả tính toán trước sự biến đổi của các yếu tố khách quan có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án, cần phải tiến hành phân tích độ nhạy của dự án.
Phân tích độ nhạy của dự án: là xem xét sự thay đổi các chỉ tiêu hiệu quả tài chính của dự án (lợi nhuận, thu nhập thuần, hệ số hoàn vốn nội bộ…) khi các yếu tố có liên quan chỉ tiêu đó thay đổi. Phân tích độ nhạy nhằm xem xét mức độ nhạy cảm của dự án đối với sự biến động của các yếu tố có liên quan. Hay nói một cách khác, phân tích độ nhạy nhằm xác định hiệu quả của dự án trong điều kiện biến động của yếu tố có liên quan đến chỉ tiêu hiệu quả tài chính đó.
Phân tích độ nhạy của dự án giúp cho chủ đầu tư biết được dự án nhạy cảm với các yếu tố nào hay nói một cách khác, yếu tố nào gây nên sự thay đổi nhiều nhất của chỉ tiêu hiệu quả xem xét để từ đó có biện pháp quản lý chúng trong quá trình thực hiện dự án. Mặt khác phân tích độ nhạy của dự án còn cho phép lựa chọn được những dự án có độ an toàn hơn cho những kết quả dự tính. Dự án có độ a toàn cao là những dự án vẫn đạt được hiệu quả khi những yếu tố tác động đến nhó thay đổi theo những chiều hướng không có lợi.
Phân tích độ nhạy cảm của dự án được thực hiện theo các phương pháp sau:
Phương pháp 1: phân tích ảnh hưởng của từng yếu tố liên quan đến chỉ tiêu hiệu quả tài chính nhằm tìm ra yếu tố gây nên sự nhạy cảm lớn cua chỉ tiêu hiệu quả xem xét.
Trong trường hợp này, phương pháp phân tích gồm các bước như sau:
Xác định các biến chủ yếu (những yếu tố liên quan) của chỉ tiêu hiệu quả tài chính xem xét của dự án.
– Tăng giảm mỗi yếu tố đó theo cùng một tỉ lệ % nào đó
– Tính lại chỉ tiêu hiệu quả xem xét
– Đo lường tỷ lệ % thay đổi của chỉ tiêu hiệu quả tài chính do sự thay đổi của các yếu tố. Yếu tố nào làm cho chỉ tiêu hiệu quả tài chính thay đổi lớn thì dự án nhạy cảm với yếu tố đó. Yếu tố này cần được nghiên cứu và quản lý nhằm hạn chế tác động xấu, phát huy các tác động tích cực đến sự thay đổi của chỉ tiêu hiệu quả tài chính xem xét.
Phương pháp 2:
Phân tích ảnh hưởng đồng thời của nhiều yếu tố (trong các tình hướng tốt xấu khác nhau) đến chỉ tiêu hiệu quả tài chính xem xét để đánh giá độ an toàn của dự án.
Phương pháp 3: cho các yếu tố có liên quan chỉ tiêu hiệu quả tài chính thay đổi trong giới hạn thị trường, người đầu tư và quản lý dự án chấp nhận được. Mỗi một sự thay đổi ta có một phương án. Lần lượt cho các yếu tố thay đổi ta có hàng loạt các phương án. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của thị trường, của người đầu tư hoặc quản lý để lựa chọn phương pháp có lợi nhất.
Phương pháp 4: sử dụng độ lệch chuẩn, hệ số biến thiên để phân tích độ nhạy.
Theo phương pháp này, cần thực hiện các bước tính toán sau:
– Tính các chỉ tiêu hiệu quả tài chính cho các phương án xem xét ở các tình huống: tốt nhất, bình thường và xấu nhất
– Dự tính xác suất xảy ra ở các tình huống trên
– Tính kỳ vọng toán của chỉ tiêu hiệu quả ứng với các xác suất dự tính
– Xác định độ lệch chuẩn của chỉ tiêu hiệu quả xem xét.
Phương án nào có độ lệch chuẩn nhỏ hơn thì độ nhạy bé hơn và do đó độ an toàn hơn.
Trong trường hợp kỳ vọng toán học của phương án khác nhau phải sử dụng chỉ tiêu hệ số biến thiên để xem xét.
– Hệ số biến thi của phương án nào nhỏ hơn thì độ nhạy bé hơn và do đó an toàn hơn.
Giáo trình Lập Dự Án Đầu Tư PGS.TS. Nguyễn Bạch Nguyệt (Chia sẻ bởi Sotaykinhdoanh.com biên tập và số hóa)
Most Commented Posts