Khái niệm về thống kê

Kết quả

Khái niệm về thống kê:

Trong thực tế sản xuất kinh doanh, cũng như trong đời sống kinh tế xã hội chúng ta thường sử dụng thuật ngữ “thống kê” như thống kê lại các công việc đã làm trong ngày, các số liệu đã có, các khoản thu, chi… Vậy thống kê học là gì? Trước khi xét đến khái niệm thống kê học, chúng ta quan sát các ví dụ sau:

Ví dụ 1: Kết quả chính thức điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam 2002 và kết quả sơ bộ khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2004 của Tổng cục Thống kê về tỷ lệ hộ nghèo cho năm 2002 và 2004 theo chuẩn nghèo được Thủ tướng Chính phủ ban hành áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010 (200 nghìn đồng/người/tháng cho khu vực nông thôn, 260 nghìn đồng/người/tháng cho khu vực thành thị) như sau:

Biểu 1. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới 

Số liệu bảng 1 cho thấy, tính chung cả nước tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 23,0% năm 2002 còn 18,1% năm 2004.

Vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong những vùng có tỷ lệ số nghèo giảm nhanh nhất, năm 2002 là 18,2%, năm 2004 chỉ còn 12,9%.

Vùng Tây Bắc tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, năm 2002 là 54,5%, năm 2004 có giảm nhưng chậm vẫn còn 46,1%.

Vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ hộ nghèo ít nhất. 

Ví dụ 2: Có tài liệu về diện tích, dân số của 13 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2003 ở bảng 2.

Các số liệu ở bảng 2.1 cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, với tổng diện tích là 39.763 km2; 16,964 triệu dân và 10,164 triệu lao động trong độ tuổi. Bình quân số dân trên 1 đơn vị diện tích là 427 người/km2. Kiên Giang là tỉnh có diện tích lớn nhất. Tỉnh có số dân đông nhất là An Giang. Thành phố Cần Thơ có diện tích đất ít nhưng số dân tương đối đông, nên mật độ dân số là cao nhất (807 người/km2).

Bảng 2.. Diện tích và dân số 13 tỉnh ĐBSCL năm 2003 

Từ các ví dụ nêu trên chúng ta có nhận xét sau:

– Các số liệu thể hiện trong các bảng là các số liệu thống kê. Các số liệu này thu thập được là dựa vào các tài liệu thống kê;

– Tài liệu thống kê có được do kết quả tổng hợp của các cơ quan từ xã – huyện – tỉnh – toàn quốc bằng cách ghi chép quá trình diễn biến trong sản xuất, trong đời sống xã hội, văn hoá… và lập các báo cáo hàng năm;

– Từ các tài liệu thống kê từng năm, ta có thể tính bình quân rồi so sánh giữa các giai đoạn thời gian khác nhau dựa vào số liệu của từng giai đoạn.

– Các số liệu thống kê cho phép đánh giá kết quả (bản chất) của các hiện tượng kinh tế xã hội của một đất nước ở từng năm và xu hướng phát triển của nó qua các năm (theo thời gian).

– Các số liệu này cũng gợi mở cho người sử dụng nó các biện pháp thúc đẩy quá trình sản xuất tốt hơn hoặc dự kiến khả năng đạt được trong giai đoạn tới.

Tóm lại: Tất cả các công việc từ theo dõi diễn biến của các hiện tượng, ghi chép tài liệu – tổng hợp tài liệu ở phạm vi rộng hơn, phân tích rút ra kết luận về bản chất, tính quy luật và đề ra các biện pháp chỉ đạo… là một quá trình nghiên cứu thống kê.

Như vậy, thống kê không chỉ là việc cộng dồn đơn thuần các số liệu sẵn có mà là cả một quá trình nghiên cứu theo trình tự nhất định có nội dung, mục đích và phương pháp khoa học để đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Một cách tổng quát, chúng ta có thể đi đến khái niệm về thống kê như sau:

Thống kê học là hệ thống các phương pháp dùng để thu thập, xử lý và phân tích các con số (mặt lượng) của hiện tượng kinh tế-xã hội để tìm hiểu bản chất và tính quy luật vốn có của chúng (mặt chất) trong điều kiện thời gian và không gian cụ thể.

Như vậy, từ “Thống kê’ có 2 nghĩa: Nghĩa thông thường là thu thập số liệu; nghĩa rộng là một môn khoa học về bố trí, hoạch định các quan sát và thí nghiệm; thu thập và phân tích các số liệu và rút ra kết luận về các số liệu đã phân tích. Do đó, thống kê được coi là một công cụ của nghiên cứu khoa học, quản lý kinh tế và quản lý xã hội. Đây chính là “bộ đồ nghề” của các nhà nghiên cứu và lãnh đạo. 

Nguồn: PGS. TS. Ngô Thị Thuận (Chia sẻ bởi Sotaykinhdoanh.com biên tập và hệ thống hóa)

Source link

Related Posts