Khái niệm về tài chính

admin
By admin

Kết quả

Khái niệm về tài chính:

Những phân tích về sự ra đời và phát triển của tài chính trong phần trước đã cho thấy: hoạt động tài chính bao gồm các hoạt động phân phối lần đầu và phân phối lại tổng sản phẩm xã hội dưới hình thức giá trị. Tổng sản phẩm xã hội được hiểu là toàn bộ các sản phẩm do một nền kinh tế sản xuất ra và được thị trường chấp nhận (tức là có thể tiêu thụ trên thị trường). Hoạt động phân phối giá trị các sản phẩm xã hội được thực hiện dưới hình thái tiền tệ, nói một cách rõ ràng hơn, hoạt động phân phối trong tài chính là phân phối bằng tiền chứ không phải phân phối bằng hiện vật. Hoạt động tài chính không chỉ liên quan đến việc hình thành các quỹ tiền tệ mà cả việc sử dụng các quỹ tiền tệ đó một khi việc sử dụng đó lại dẫn đến việc hình thành một quỹ tiền tệ khác. Ví dụ: Hoạt động trả lương cho người lao động là một hoạt động tài chính vì nó liên quan đến việc phân phối một phần giá trị các sản phẩm mà người lao động đã tạo ra. Hoạt động trả lương làm hình thành nên quỹ tiền tệ cho người lao động. Nếu người lao động sử dụng toàn bộ quỹ tiền tệ này để tiêu dùng bằng cách mua các hàng hoá hay dịch vụ mình cần thì hoạt động sử dụng quỹ tiền tệ đó không được coi là hoạt động tài chính. Nhưng nếu người lao động trích một phần quỹ tiền tệ đó để tích lũy hoặc để trả nợ thì hành động này làm hình thành nên một quỹ tiền tệ mới (quỹ tiền tệ để tích lũy hay quỹ tiền tệ để trả nợ) và do vậy là một hoạt động tài chính. Ở đây, người lao động đã thực hiện việc “phân phối lại” quỹ tiền tệ của mình và qua đó đã tạo ra một quỹ tiền tệ mới. Qua những phân tích như vậy, có thể thấy: sự vận động của các luồng giá trị dưới hình thái tiền tệ giữa các quỹ tiền tệ do kết quả của việc tạo lập và sử dụng các quỹ này nhằm đáp ứng các nhu cầu chi tiêu hoặc tích lũy của các chủ thể kinh tế là biểu hiện bề ngoài của phạm trù tài chính.

Các quỹ tiền tệ nói trên còn được gọi là các nguồn tài chính vì chúng là cơ sở hình thành và là đối tượng của các hoạt động tài chính. Trong thực tế, nguồn tài chính có thể được gọi với các tên như vốn tiền tệ, vốn bằng tiền, tiền vốn hay trong từng trường cụ thể thì bằng các tên gọi riêng như vốn trong dân, vốn tín dụng, vốn ngân sách… Nguồn tài chính không chỉ hình thành từ các quỹ tiền tệ mà còn từ những tài sản hiện vật có khả năng chuyển hóa thành tiền tệ. Những tài sản này khi cần có thể chuyển hóa thành tiền tệ để trở thành các nguồn tài chính. Ví dụ: nguồn tài chính của một hộ gia đình không chỉ hình thành từ những quỹ tiền tệ mà hộ gia đình này nắm giữ mà còn có thể hình thành từ các động sản và bất động sản của họ, những tài sản mà khi cần họ có thể đem bán để làm tăng quỹ tiền tệ của mình. Xét trên phạm vi quốc gia, nguồn tài chính hình thành không chỉ từ các quỹ tiền tệ trong nước mà còn từ các quỹ tiền tệ huy động từ nước ngoài vào. Đặc biệt, nguồn tài chính cũng không chỉ được hiểu là bao gồm các giá trị hiện tại mà cả những giá trị có khả năng nhận được trong tương lai. Đây là sự mở rộng rất quan trọng trong quan niệm về nguồn tài chính vì nó mở rộng giới hạn về nguồn tài chính mà mỗi chủ thể kinh tế nắm giữ. Một chủ thể kinh tế khi đưa ra các quyết định sử dụng các quỹ tiền tệ hiện tại không chỉ dựa trên nguồn tài chính mà họ hiện nắm giữ mà cả những nguồn tài chính mà họ kỳ vọng sẽ có trong tương lai.

Trên cơ sở những phân tích trên, có thể rút ra định nghĩa về tài chính như sau:

Tài chính là quá trình phân phối các nguồn tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu của các chủ thể kinh tế. Hoạt động tài chính luôn gắn liền với sự vận động độc lập tương đối của các luồng giá trị dưới hình thái tiền tệ thông qua việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ trong nền kinh tế.

Để làm rõ hơn khái niệm tài chính, cần so sánh nó với khái niệm tiền tệ và thương mại là các khái niệm có liên quan và có nhiều điểm tương đồng. Trong hoạt động thương mại, tiền tệ đóng vai trò là vật trung gian môi giới trong trao đổi hàng hoá, là phương tiện giúp cho quá trình trao đổi được diễn ra dễ dàng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong hoạt động thương mại tiền tệ chỉ đóng vai trò là phương tiện còn hàng hoá mới là đối tượng của trao đổi. Tương tự, trong tài chính, hoạt động phân phối giữa các chủ thể kinh tế được thực hiện thông qua việc tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ. Biểu hiện bề ngoài của hoạt động tài chính là sự di chuyển của các dòng tiền tệ, tuy nhiên bản chất của tài chính là phân phối các sản phẩm tạo ra trong nền kinh tế dưới hình thức giá trị. Hoạt động tài chính phải thông qua tiền tệ để phân phối giá trị nên trong tài chính, tiền tệ cũng chỉ là phương tiện, sản phẩm mới là đối tượng của phân phối. Điểm khác biệt giữa tài chính và thương mại là: trong thương mại, sự vận động của tiền tệ luôn gắn liền với sự vận động của hàng hoá và dịch vụ tham gia vào quá trình trao đổi, còn trong tài chính sự vận động của tiền tệ là độc lập tương đối với sự vận động của hàng hoá, dịch vụ nhờ chức năng phương tiện trao đổi và phương tiện cất trữ giá trị của tiền tệ.

Cũng cần lưu ý rằng, quan điểm truyền thống về khái niệm tài chính trong rất nhiều giáo trình về Tài chính hiện nay tại Việt Nam nhấn mạnh tới các mối quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình phân phối các nguồn tài chính. Quan điểm này nhấn mạnh rằng hoạt động tài chính thực chất là hoạt động “phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới hình thức giá trị” giữa các chủ thể kinh tế, do  vậy để hoạt động tài chính được phát triển và hiệu quả thì phải giải quyết tốt mối quan hệ kinh tế giữa các chủ thể tham gia vào quá trình phân phối – những mối quan hệ được xem là cơ sở quyết định cách thức phân phối các sản phẩm xã hội. Ví dụ: việc trả lương phản ánh mối quan hệ kinh tế giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Chủ doanh nghiệp muốn trả lương thấp để có lợi nhuận cao nhưng như vậy sẽ không khuyến khích người lao động sáng tạo ra giá trị thặng dư là cái làm ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì vậy hoạt động trả lương chỉ hiệu quả khi giải quyết tốt mối quan hệ kinh tế giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Tương tự, trong mối quan hệ đóng thuế giữa doanh nghiệp đóng thuế và nhà nước, nhà nước cần cân nhắc việc đưa ra quyết định mức thuế sao cho vừa đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu chi tiêu của mình, vừa phải đảm bảo khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất để duy trì khả năng đóng thuế lâu dài. Như vậy, theo quan điểm truyền thống, hoạt động tài chính hiệu quả thì phải giải quyết tốt những mối quan hệ kinh tế giữa các chủ thể kinh tế nảy sinh trong việc phân chia lợi ích từ hoạt động phân phối tổng sản phẩm xã hội. Nói một cách khác, các hoạt động tài chính nào đảm bảo được sự công bằng trong phân chia quyền lợi nảy sinh từ hoạt động tài chính thì hoạt động tài chính đó sẽ hiệu quả và phát triển.

Các giáo trình kinh điển về tài chính tại các nước phát triển thì lại tiếp cận khái niệm tài chính theo góc độ khác. Các giáo trình này nhấn mạnh tài chính, với tư cách là một lĩnh vực khoa học, nghiên cứu về cách thức phân bổ các nguồn lực tài chính có hạn qua thời gian. Mọi chủ thể kinh tế đều phải đối mặt với sự ràng buộc về nguồn tài chính hạn chế trong khi nhu cầu sử dụng nguồn tài chính thì đa dạng và thường là vô hạn. Chính vì vậy vấn đề đặt ra đối với các chủ thể kinh tế là làm sao để tối ưu hóa việc phân bổ các nguồn tài chính của mình cho các nhu cầu sử dụng. Hai đặc trưng quan trọng trong các quyết định tài chính là chi phí và lợi ích của các quyết định tài chính 1/ diễn ra trong một khoảng thời gian và 2/ luôn không thể biết trước một cách chắc chắn. Ví dụ: Để quyết định đầu tư vào một dự án, doanh nghiệp phải so sánh các chi phí mà mình phải bỏ ra cho dự án đó với các khoản thu dự tính từ dự án đó. Toàn bộ quá trình đầu tư kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định và rất khó có thể dám chắc được chính xác giá trị các khoản thu đó. Ngay cả khoản chi phí phải bỏ ra cũng thường không thể dự đoán chính xác được. Hơn nữa, khi đưa ra một quyết định tài chính, doanh nghiệp phải đánh đổi chi phí cơ hội của việc sử dụng một nguồn lực tài chính cho những ích lợi có thể thu được từ quyết định sử dụng vốn của mình. Chính sự giới hạn về nguồn lực tài chính và sự không chắc chắn về lợi ích của việc sử dụng nguồn lực tài chính đòi hỏi các chủ thể kinh tế luôn phải cân nhắc giữa chi phí cơ hội và lợi ích của việc sử dụng nguồn lực tài chính. Do vậy, để hoạt động tài chính được hiệu quả, các chủ thể kinh tế phải đánh giá được chính xác những chi phí cơ hội và lợi ích của việc sử dụng nguồn lực tài chính hạn chế của mình và phải kiểm soát được những rủi ro có thể nảy sinh trong quá trình sử dụng.

Sau đây là minh họa về những quyết định cơ bản mà các hộ gia đình và doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động tài chính của mình:

Các quyết định tài chính mà một hộ gia đình sẽ gặp phải

1. Phân chia giữa tiêu dùng và tiết kiệm

2. Lựa chọn danh mục đầu tư cho khoản tiền tiết kiệm

3. Quyết định cách thức tài trợ cho chi tiêu

4. Quản lý rủi ro gắn liền với các hoạt động tài chính của mình

Các quyết định tài chính mà một doanh nghiệp sẽ gặp phải

1. Xác định chiến lược đầu tư: lựa chọn lĩnh vực đầu tư, định hướng phát triển

2. Lập ngân sách mua sắm: lên kế hoạch chi tiêu cụ thể cho dự án đầu tư được lựa chọn

3. Xác định cấu trúc vốn huy động: xác định tỷ lệ giữa huy động vốn thông qua phát hành cổ phần hay huy động vốn thông qua phát hành nợ

4. Quản lý vốn lưu động: quản lý khoản vốn lưu động nhằm đảm bảo cho dự án đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng. 

Nguồn: Ths. Đặng Thị Việt Đức – Ths. Phan Anh Tuấn (Chia sẻ bởi Sotaykinhdoanh.com biên tập và hệ thống hóa)

 

Source link

Share This Article